Xuất xứ: Gia Hựu Bản Thảo.
Tên Việt Nam: Cây Hồ lô ba.
Tên khác: Khổ đậu (Bản Thảo Cương Mục), Hồ ba, Lô ba, Lô ba tử, Thận tào đô úy, Thận tào đô hộ, Phiên la bặc tử (Hoà Hán Dược Khảo).
Tên khoa học: Trigonella foenum Graecum Linn.
Họ khoa học: Leguminosae.
Mô tả: Cây hàng năm, cao 0,10-0,40m, mọc đứng, nhẵn. Lá có 3 lá chét, có cuống, lá chét to, hình trái xoan ngược hay thuôn thành góc, có răng ở phần trên, lá kèm nguyên. Hoa trắng khá lớn, đơn độc hoặc xếp từng đôi, không cuống ở nách các lá. Đài có lông, có răng đều nhau ngắn hơn ống. Cánh cờ dài hơn các bên và cánh thìa tù. Quả dựng đứng, hình dải, hơi cong hình cung, nhẵn, có gân dọc mảnh, đỉnh có mỏ dài. Hạt 10-20 dạng trứng nhẵn, màu nâu, hay hung.
Địa lý: Cây thường làm thức ăn cho gia súc, hạt rất thơm thường được nhân dân làm thuốc. Cây được di thực trồng vào vườn thuốc Văn Điển (Hà Nội).
------------------------------------------------------------
Tên Hồ lô ba (do nguồn gốc từ Trung dược) và Fenugreek có phần xa lạ với đa số người Việt trong và ngoài nước, nhưng thật ra rất quen thuộc với những bà nội trợ hay dùng đến bột "cà ri". Tại nhiều nơi trên thế giới, Fenugreek không những được trồng để lấy hạt làm gia vị, nhưng còn được dùng làm rau và làm thuốc trị bệnh. Cây cũng được trồng thử tại một số địa phương tại Việt Nam.
Fenugreek được xem là một trong những cây đầu tiên được nhân loại trồng .. cây đã được trồng tại vùng thung lũng sông Nile tứ 1000 năm truớc Tây lịch. Các văn bản tìm được trong các ngôi cổ mộ Ai cập đã mô tả cách nấu nướng fenugreek khi dùng làm thực phẩm và cách chế biến cây để làm thuốc (trị nóng sốt). Hạt fenugreek khô đã được tìm thấy trong mộ của Tutankhamen. Hạt cháy khô tìm được tại Tell Halal (Iraq) được định bằng Carbon phóng xạ cho thấy niên đại khoảng 4000 năm (trước Tây lịch). Người Hy lạp và La mã (theo Cato) đã trồng cây để nuôi gia súc, và để làm thuốc. Hippocrates đã dùng fenugreek để trị nóng sốt. Người Ai cập dùng cây làm một trong các hợp chất để xông hương và để ướp xác.
Fenugreek, được ghi trong lịch sử Do thái, như là một võ khí chống ngoại xâm! Năm 66-70 Tây lịch, Tường La Mã (sau thành Hoàng đế) Vespasian bao vây thành Jerusalem và ra lệnh cho quân sĩ san bằng bức tường thành. Phương thức phòng thủ của dân Jerusalem là đổ nước sôi hay dầu sôi vào quân xâm lấn dùng thang trèo lên mặt thành và theo Sử gia Flavius Josephus thì người Do thái đã thêm dầu fenugreek vào nước sôi để gây tăng thêm sư trơn trợt cho quân La mã.
Fenugreek có nguồn gốc tại những vùng quanh Địa Trung hải và Tây Á. Cây được các tu sĩ dòng Benedictins đưa về Trung Âu từ thế kỷ thứ 9 và Charlemagne (812) đã cổ võ việc sử dụng cây này. Cây cũng được du nhập vào Trung Hoa từ thời nhà Tống (1057 tây lịch).
Phụ nữ Ả rập, từ Libya đến Syria ăn hạt fenugreek rang để tăng cân và giúp tạo thân hình thẩm mỹ theo trường phái Ruben (cho đến thế kỷ 19, thân hình phụ nữ được xem là đẹp cần phải phát triển, nẩy nở và đều đặn nhất là các phần hông). Các vị "chủ nhân" của các harem ăn hạt để làm thuôc kích thích tình dục (aphrodisiac), hiện nay tại nhiều nơi trong thế giới Ả rập vẫn xem hạt fenugreek như một vị thuốc kích dục (?). Các bà mẹ nuôi con tại Ethopia ăn thêm fenugreek để giúp có nhiều sữa.
Tên khoa học và các tên gọi khác:
Trigonella foenum-graecum thuộc họ thực vật fabacêa.
Tên Anh-Mỹ khác Greek hay, Bird's Foot
Pháp: Fenugrec; Đức: Bockshornklee; Tây Ban nha: Alholva; Ý: Fieno Greco; Nhật: Koroha
Tên Ấn độ: Methi, Methi saag; Phạn: Methika
Tên Trigonella, do tiếng Hy lạp có nghĩa là có 3 cạnh, do hình dạng của hoa. Tên Anh ngữ Fenugreek, do "foenum-graecum", tiếng latinh có nghĩa là rơm Hy lạp: cây đã được dùng để trộn thêm các rơm rạ có phẩm chất kém để tạo mùi thơm. Trước đây tại Hy lạp, fenugreek được trộn vào các rơm rạ bị mốc hay bị hư hỏng do côn trùng phá hoại, giúp rơm trở thành dễ ăn hơn, và hơn nữa trong thiên nhiên trâu bò và ngựa khi đau ốm chỉ chịu ăn fenugreek.
Đặc tính thực vật:
Cây thuộc loại thảo hằng niên, có thân tròn không lông, mọc thẳng đứng, có thể cao 60-80 cm, rễ phát triển. Lá mọc so le, có mang 3 lá chét (lá phụ) xoan ngược, dài 1.5-2 cm, rộng 0.5-1 cm. mép lá có răng cưa ở phân nửa phần trên, phiến có 4 đôi gân phụ. Lá có cuống ngắn 4-6 mm. Hoa màu vàng nhạt hay trắng, mọc ở nách lá, đơn độc hay từng đôi. Tràng hoa dài gấp đôi đài hoa. Quả hình trụ thẳng, hơi cong, dài 10-12 cm, rộng 4-5 mm, có mỏ nhọn ở đầu, chứa 10 đến 20 hạt. Hạt màu nâu sáng, hay vàng-nâu, hình thoi, dẹp, rất cứng (3x4 mm), nhiều cạnh, có mùi thơm. Cây trổ hoa vào các tháng 4-6 và ra quả trong các tháng 7-8.
Fenugreek thuộc loại có chu kỳ sống ngắn, có thể thu hoạch sau 3-4 tháng gieo trồng và mỗi năm có thể trồng xoay vòng đến 3 lứa.
Các nước xuất cảng feugreek hiện nay là: Ấn độ, Pháp, Lebanon, Ai cập và Argentina.
Thành phần hóa học:
Thành phần hóa học của hạt fenugreek:
Chất nhày (2.5-45 % gồm các mannogalactans)
Chất đạm (25-30%) trong đó có các amino acids như choline-4-hydro xyisoleucine, lysine, tryptophan, histidine, arginine, cystine và tyrosine.
Các chấc ức chế proteinase
Các saponins loại steroid (1.2-1.5%) gồm cả các trigofoenosides từ A đến G, alycones gồm diosgenin,yamogenin, gitogenin, smilagenin, tigogenin, yuccagenin.
Ester loại steroid saponin-peptid như foenugraecin
Các sterols: chất chính là 24xi-ethyl-cholest-5-en-3beta-ole (65%)
Flavonoids gồm isoorientin, isovitexin, orientin arabinoside, isoorien tin arabinoside, saponaretin, vicenin-1, vicenin-2, vitexin
Trigonelline (coffearin, N-methylbetaine của nicotinic acid, 0.4%)
Tinh dầu dễ bay hơi (0.01%): hợp chất tạo mùi 3-hydroxy-4,5đime thyl-2 (5H)-furanone.